SEO và những ưu, nhược điểm bạn cần biết để giảm chi phí marketing


SEO (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) là một trong những hướng đi dài hạn khi doanh nghiệp cần giảm dần sự phụ thuộc vào những nền tảng quảng cáo thay đổi ập đến bất chợt. Thế nhưng chỉ làm SEO liệu đã đủ?!

Vì sao tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) hiệu quả và đáng để đầu tư?

Trước khi đi sâu vào giải mã ma lực của SEO, hãy để chúng tôi đặt cho bạn một câu hỏi:

Đâu là cách bạn sử dụng Google khi cần tìm giải pháp cho chính vấn đề đang phải đối mặt? Liệu bạn sẽ click vào quảng cáo hay đặt niềm tin vào những kết quả tìm kiếm tự nhiên?!

Làm sao để tối giản chi phí Marketing?

Bạn đã có đáp án chưa?

Thật ra đây là câu hỏi không có đáp án, trong từng bối cảnh, việc nhấp chuột vào đâu phụ thuộc phần nhiều vào mục tiêu tìm kiếm của bạn. Theo nghiên cứu, hành vi tìm kiếm của đa số người dùng thường được phân làm 3 nhóm:

  1. Tìm kiếm với xu hướng tìm hiểu thông tin – đây là những tìm kiếm không dẫn đến giao dịch và thường hướng về việc trả lời những khúc mắc đối tượng mục tiêu đang gặp phải trên hành trình ra quyết định. Ví dụ: Vì sao nên làm inbound marketing?
  2. Tìm kiếm với xu hướng ‘giao dịch’ ngay – chẳng hạn mua hàng, tải tài liệu, cài đặt phần mềm, đăng ký khóa học… Ví dụ đơn giản cho trường hợp này là: ‘Mua vé máy bay giá rẻ tới Hà Nội’
  3. Tìm kiếm với mục đích tìm kiếm thông tin thương hiệu – ví dụ như ‘báo giá dịch vụ quảng cáo của Digit Matter agency’

Nếu bạn có xu hướng tin vào những kết quả tự nhiên ở trường hợp 1 và ‘bất kể’ quảng cáo hay không trong 2 ‘kịch bản’ còn lại, thì đó là tâm lý chung của đại đa số. Điều này cũng dễ hiểu khi bạn đang tìm thông tin mang tính khách quan như review, hướng dẫn…, ít khi ta tin vào những ‘nội dung được trả tiền để nói theo ý thương hiệu’. Thực tế theo nghiên cứu:

  1. Chỉ trên trang nhất, 67.6% lượt nhấp chuột thuộc về những kết quả tìm kiếm tự nhiên
  2. 70% marketer được khảo sát đánh giá SEO mang đến hiệu quả cao hơn so với hình thức quảng cáo trả phí trên Google.

Khi người dùng ngày càng có xu hướng ‘tìm về’ những kết quả mang tính tự nhiên hơn, doanh  nghiệp ngày càng chú trọng đầu tư tối ưu hóa công cụ tìm kiếm thay vì quảng cáo trả phí. Chưa kể, theo nhiều thống kê, SEO còn thắng thế trước hình thức quảng cáo dựa trên từ khóa (PPC) bởi 5 lý do sau:

  1. SEO mang đến nhiều qualified lead hơn
  2. SEO mang đến hiệu quả lâu dài ngay một khi thứ hạng trang đã vươn 5 vị trị đầu
  3. Chi phí marketing cho SEO thấp hơn rất nhiều và không cần duy trì liên tục như PPC
  4. SEO giúp tiếp cận khách hàng một cách tự nhiên bởi 93% tương tác digital bắt nguồn từ những tìm kiếm trên Google
  5. Thứ hạng cao nhờ tối ưu hóa công cụ tìm kiếm giúp thương hiệu trở nên đáng tin hơn trong mắt khách hàng, đồng thời cũng là cách làm branding tự nhiên!

Tuy hiệu quả hơn PPC nhưng SEO cũng có những lỗ hổng cần được lấp đầy. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không thể hoàn toàn dựa dẫm vào SEO!

Nhược điểm khiến doanh nghiệp không thể phụ thuộc 100% vào tối ưu hóa công cụ tìm kiếm

SEO là phương thức sản xuất nội dung dựa trên danh sách từ khóa chọn lọc nhằm tiếp cận khách hàng ở từng giai đoạn quan trọng từ nhận thức vấn đề – đi tìm giải pháp – nghiên cứu so sánh giữa các giải pháp/ thương hiệu – để lại thông tin – tư vấn – cho tới thực hiện thanh toán ở bước cuối cùng.

Phụ thuộc "máy móc" vào từ khóa, thiếu góc nhìn rộng về điều đối tượng thực sự quan tâm

Có mặt "đúng lúc" tại những từ khóa quan trọng sẽ giúp đưa khách hàng về tới website của bạn, tuy nhiên, phần đông đối tượng mục tiêu không đi tới quyết định mua hàng ngay lần giáp mặt đầu tiên. Nguyên nhân chỉ có một – bạn chưa tạo được sự tin tưởng với họ, đặc biệt khi thương hiệu còn nhỏ, còn mới hay hoạt động ở những lĩnh vực đặc thù không phải ai cũng biết.

Cùng như khi tuyển dụng, bạn chẳng thể đánh giá chính xác năng lực ứng viên nếu chỉ đọc CV. Phải qua quá trình tiếp xúc, hỏi đáp, làm trắc nghiệm IQ, kiểm tra kiến thức ngành, thách thức thực tế, thậm chí thử việc bạn mới có thể tin tưởng giao cho họ trọng trách phù hợp; trong quá trình ‘nghiên cứu, chọn lọc’ đối tượng cũng đánh giá độ uy tín của thương hiệu qua nhiều yếu tố – chẳng hạn nội dung!

Lúc này, nội dung blog đóng vai trò như ‘lời tư vấn’ của thương hiệu đến khách hàng nhằm:

  1. Thiết lập hình ảnh uy tín như một chuyên gia trong lĩnh vực hoạt động
  2. Tư vấn khách hàng về những lựa chọn mang tính khách quan
  3. Điều hướng khách hàng bằng những chuỗi nội dung có lợi cho thương hiệu

Nhược điểm khiến doanh nghiệp không thể phụ thuộc 100% vào tối ưu hóa công cụ tìm kiếm

Trớ trêu là, đa phần người làm SEO đều tập trung vào một yếu tố duy nhất – làm mọi cách để khách hàng để lại thông tin hay tiến hành giao dịch sau khi đọc hết bài. Ở một bối cảnh khác, việc này cũng giống như những cuộc gọi chào bán bất động sản, bảo hiểm vậy – mang lại cảm giác khó chịu và đầy "mùi sales" trong khi điều khách hàng cần là những lời khuyên, tư vấn dành riêng cho vấn đề của họ.

Hãy nhớ lại những bài viết khiến bạn "đi vào rồi đi ra" sau khi lướt qua một vài ý chính mà xem, đó cũng là vấn đề nhiều bài viết SEO hiện đang gặp phải dù vẫn đang "an vị" tại thứ hạng cao!

Để thiết lập sự tin tưởng, doanh nghiệp cần phát triển chiến lược content marketing song song với tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Dễ hiểu hơn, đó là thiết kế những chuỗi nội dung giúp gạt bỏ dần dần những khúc mắc cá nhân trên hành trình đi tìm giải pháp với xuất phát điểm là những bài viết SEO. Và những bài viết này không cần đặt nặng vào từ khóa.

Nói cách khác, SEO là chưa đủ, doanh nghiệp còn cần phát triển chiến lược content marketing. Viết máy móc cho "máy đọc" là chưa đủ, doanh nghiệp còn cần "nhân tính hóa" nội dung với những lời khuyên hữu ích dành riêng cho từng vấn đề khách hàng có thể gặp phải! Hoặc dễ hiểu hơn, thay vì là nhân viên gọi điện chào hàng, hãy dùng sức mạnh của nội dung biến bạn thành "bác sĩ" tư vấn cho những "bệnh nhân" đang đau đầu đi tìm giải pháp.

SEO mang đến khách hàng tiềm năng nhưng không phải lúc nào cũng giúp bạn chốt sales

Cũng giống như việc bạn vào một cửa hàng, ngó nghiêng rồi đi ra, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm để tăng thứ hạng website chỉ giúp bạn đưa họ lại gần thương hiệu. Nếu họ là những người ‘tìm kiếm với ý định mua hàng’, bạn có thể dễ dàng chốt đơn nhưng nếu đây là khách hàng tiềm năng, đã đúng người nhưng chưa đúng thời điểm thì sao?

Câu trả lời đơn giản nhất đó là hãy tiếp tục chăm sóc họ cho đến thời điểm phù hợp.

Nhưng vấn đề là bạn làm điều đó ra sao?!

Một cách truyền thống, không ít doanh nghiệp tiến hành chăm sóc khách hàng mục tiêu thông qua email marketing và remarketing. Cách tiếp cận không sai nhưng đa phần chúng ta thường đi vào lối mòn ‘spam’ với những nội dung chung chung, thiếu tính cá nhân.

Thử tưởng tượng nhé, bạn sẽ cảm thấy thế nào sau khi dốc hết tâm can với bác sĩ về những vết thâm nám hay sẹo trên da nhưng lại nhận được những lời tư vấn về lĩnh vực khác – chẳng hạn sổ mũi, viêm họng! Tất nhiên đây là điều không thể xảy ra nhưng một cách nào đấy, đó cũng là n trải nghiệm khách hàng ngày ngày gặp phải khi nhận được những email ‘gửi cho tất cả’.

Lúc này, thứ bạn cần là những nội dung mang tính cá nhân cao để tạo ra những nội dung dành riêng cho họ như thể tư vấn 1:1. Phát triển những nội dung như vậy không khó, thử thách lớn nhất là làm thế nào để đưa những nội dung này đến đúng đối tượng mục tiêu. Chưa kể sau quá trình chăm sóc, làm thế nào để bạn nhận biết:

  1. Đâu là khách hàng tiềm năng đã có thể liên hệ ‘chốt sales’?
  2. Đâu là đối tượng cần tiếp tục ‘nuôi dưỡng quan hệ’?
  3. Đâu là đối tượng có cơ hội chuyển đổi bằng 0 nên thẳng tay loại bỏ?

Nghe có vẻ đau đầu nhưng thay vì đánh cược vào sự ngẫu nhiên thông qua những cuộc gọi cho toàn danh sách, bạn có thể trả lời những câu hỏi trên một cách dễ dàng với chiến lược inbound marketing!

Dùng Inbound Marketing tối đa cơ hội chuyển đổi từ SEO đem lại

Inbound marketing là phiên bản nâng cấp của việc kết hợp SEO và content marketing với sự hỗ trợ từ hệ thống quản trị thông tin khách hàng – CRM!

Cũng sử dụng SEO để đưa đối tượng về website, cũng sử dụng content marketing để chăm sóc họ nhưng sự khác biệt của Inbound Marketing nằm ở yếu tố tự động hóa những nhiệm vụ tưởng chừng không thể khi thao tác bằng tay chẳng hạn như:

  1. Tự động thu thập, phân tích dữ liệu đối tượng mục tiêu từ nhiều nền tảng quảng cáo để phân loại lead thành những ‘khuôn mẫu điển hình’. Dựa vào đó doanh nghiệp có thể lên kế hoạch và phát triển những chiến lược nội dung tương ứng cho từng đối tượng.
  2. Tự động gửi email marketing cho từng nhóm khách hàng tiềm năng với nội dung ‘chạm đúng tim đen’ của họ trên từng giai đoạn đưa ra quyết định
  3. Tự động remarketing trên Facebook, Google với nội dung đồng điệu cùng mối quan tâm của đối tượng hướng tới
  4. Xác định những yếu tố chung để đánh giá cơ hội chuyển đổi của từng đối tượng, từ đó hệ thống hóa thành công thức tính điểm ‘xác suất thành công’ khi gọi điện tư vấn để đưa ra chiến lược tiếp cận thích hợp

Marketing và hiệu quả SEO

Nói cách khác, thay vì đưa khách hàng về website như chiến lược SEO bạn vốn đang làm rất tốt, Inbound marketing giúp doanh nghiệp ‘theo sát’ hành trình khách hàng một cách tự động cho đến qua quá trình chốt sales nhưng không bỏ sót bất kỳ cơ hội nào.